Nhà thờ Vasily Khổ hạnh – bức tranh mã hóa của một nhà thờ hồi giáo đã chết
Truyền thuyết xa xưa của Matxcơva kể lại rằng, tại nhà thờ quân đội ở gần Kazan, trong buổi tế lễ, khi mà người trợ tế xướng lên những dòng trong Kinh Thánh “Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử”, thì một phần bức tường pháo đài của thành phố thù địch, đã nổ tung, và quân đội Nga tiến vào Kazan.
Có lẽ là khi đó thì Ivan Lôi đế đã quyết định xây nhà thờ để tôn vinh chiến thắng Kazan. Thành phố bị khuất phục năm 1552, còn năm 1554 thì nhà thờ này được đặt nền móng ở gần cổng Frolovskye (Spasskye) tại nền nhà thờ gỗ Ba Ngôi thiêng liêng phía trên hào Kremlin. Bởi vì Kazan được chinh phục vào ngày 1 tháng 10, ngày lễ Áo choàng Đức Mẹ thiêng liêng (праздник Покрова Пресвятой Богородицы), nên nhà thờ mới cũng được gọi là nhà thờ[1]Pokrovsky (Покровский собор). Dân gian thì đồn rằng dường như Ivan Lôi Đế xây nhà thờ này để tôn vinh cha mình, đại công tước Vasily III, vì Ivan Lôi đế đã từng nói “Dẫu không có nhà thờ nào thì cả ngàn năm nữa dân chúng sẽ vẫn nhớ ta, nhưng ta muốn họ nhớ cả cha ta nữa”.
Nhà thờ Vasily Khổ hạnh tọa lạc trên Quảng trưởng Đỏ
Ngày 29 tháng 7 năm 1577 tổng giám mục Makari đã làm phép thánh cho nhà thờ với sự chứng kiến của Sa hoàng, nhưng công việc xây dựng thì còn tiếp tục cả dưới thời Fedor Ioannovich, con trai của Ivan Lôi đế, khi mà di hài của thánh Vasily Khổ hạnh đã được tìm thấy, và cả dưới thời các Sa hoàng tiếp theo của dòng họ Romanov. Mỗi một Sa hoàng lại bổ sung một chi tiết nào đó cho nhà thờ, chính vì thế mà nhà thờ trở nên hết sức độc đáo. Tuy nhiên công cuộc xây dựng nhà thờ được coi là hoàn tất chính thức là ngày 29 tháng 7 năm 1561.
>> Xem thêm: http://hoctiengnga.com
Đến tận bây giờ người ta vẫn chưa biết ai đã xây dựng nên nhà thờ. Theo truyền thuyết thì đó là 2 kiến trúc sư Nga Barma và Postnik, mặc dù một số nhà sử học nghiêng về giả thuyết rằng đó chỉ là một người – Ivan Yakovlevich Barma, người còn được gọi là Postnik do ông ăn chay rất nghiêm ngặt (nghĩa của từ пост trong tiếng Nga). Một phần nhà thờ này nổi tiếng là do một huyền thoại phổ biến rộng rãi. Khi kiến trúc sư trình bày ma-két của nhà thờ cho Sa hoàng Ivan Lôi Đế, thì Sa hoàng rất kinh ngạc bởi vẻ đẹp của tòa nhà. Sa hoàng bèn hỏi: liệu nhà ngươi có thể xây dựng một nhà thờ tương tự như thế, hoặc còn đẹp hơn nữa không? Kiến trúc sư trả lời: “Có thể”. “Nhà ngươi nói láo!” – Sa hoàng hét lên và ra lệnh chọc mù mắt kiến trúc sư, để cho Nhà thờ Vasily Khổ hạnh mãi mãi là duy nhất trong Vương quốc Nga.
Ôi đôi mắt chim ưng
Bị mũi dùi đâm thủng
Để không bao giờ chúng
Còn được thấy mặt trời
Chúng bị đóng sắt nung
Chịu bao nhiêu đau đớn
Và rồi chúng bị ném
Đôi tròng mắt tối đen
Xuống đất đầy gai góc.
D.Kedrin. 1938.
Có rất nhiều truyền thuyết về Nhà thờ Pokrovsky. Một trong số đó kể rằng Nhà thờ Vasily Khổ hạnh là bản sao không chính xác của nhà thờ Hồi giáo Kul-Shariff ở Kazan. Khi mà đạo quân của Ivan Lôi đế tấn công thành phố này, Sa hoàng rất giận dữ vì sự chống trả của cư dân thành phố. Vì thế mà Ivan Lôi đế đã ra lệnh san bằng nhà thờ hồi giáo đẹp đẽ này ngay sau khi chiếm được Kazan. Các mái vòm mạ vàng của nhà thờ Hồi giáo này, theo truyền thuyết, đã được chất lên mười hai cỗ xe và chở về Matxcơva. Nhà thờ Vasily Khổ hạnh, được xây để kỷ niệm chinh phục Kazan, mang trong mình hình tượng mã hóa của một nhà thờ hồi giáo đã chết. Tám mái vòm của nhà thờ Matxcơva lặp lại tám ngọn tháp ở Kul-Shariff , còn mái vòm thứ chín như một biểu tượng chiến thắng. Các nhà sử học vẫn chưa thể bác bỏ hoàn toàn truyền thuyết này, bởi có vẻ là kiến trúc sư khi đó làm việc cùng lúc ở cả Quảng trường Đỏ lẫn Kazan, nơi ông xây những tường thành mới cho Kremlin ở đó.
Các nhà nghiên cứu kiến trúc của Nhà thờ Pokrov không chỉ một lần nhấn mạnh rằng đó không chỉ là một nhà thờ xây theo một lời thề thông thường, và ý tưởng của nó không đơn giản chỉ là sự tạ ơn cho chiến thắng Kazan.
Nhà thờ này phải trở thành nhà thờ vinh danh chiến thắng của nước Nga Matxcơva, đó phải là ký ức vĩnh cửu về những người đã ngã xuống “vì bạn bè mình” dưới chân thành Kazan, và cuối cùng, nhà thờ đồng thời cũng phải là phần thưởng cao quý nhất “trong vương quốc trên trời”, mà những người ngã xuống phải được nhận, theo học thuyết của nhà thờ, và thể hiện sự hình dung về Matxcơva như về một “Jerusalem mới” (trung tâm thế giới mang lại sự cứu rỗi cho thế giới chính thống giáo). Tức là nhà thờ Pokrovsky một mặt được hiểu như biểu tượng của thành phố thượng giới – Jerusalem Thượng giới, được thể hiện trong đó qua những hình tượng kiến trúc yêu đời, lễ hội, “thiên đường”; còn mặt khác, lại là hình ảnh của Jerusalem trần gian, liên kết với hình tượng và thực tế của Nhà thờ Mộ Đức Chúa Jesus (The Church of the Holy Sepulchre). Chính Jerusalem là cái tên được những người nước ngoài ghé thăm Moskovia và để lại những ghi chép về những chuyến du lịch của mình trong thế kỷ 16 dùng để gọi nhà thờ này.
Ban đầu nhà thờ Pokrovsky có hơi khác so với những gì chúng ta nhìn thấy bây giờ. Đầu tiên người ta dựng mô hình nhà thờ bằng gỗ, rồi sau đó thì “chuyển dịch” mô hình này sang nhà thờ bằng đá. Nét đặc biệt này còn lưu lại trong kiến trúc của nhà thờ, kiến trúc này với những tháp tầng, nóc vòm và gợi nhớ tới những nhà thờ nhỏ bằng gỗ vùng bắc Nga, ở các khu vực Kareli, Arkhangelsk, Vologda và Kostroma.
Kiến trúc độc đáo có một không hai của nhà thờ
Không một mái vòm nào của nhà thờ này lại lặp lại mái vòm khác. Một vòm thì được rắc đầy những quả thông vàng, chúng trông như những ngôi sao trên trời trong đêm tối. Trên một mái vòm khác thì như những thắt lưng đỏ thắm chạy dích dắc trên cánh đồng rực sáng, mái vòm thứ ba thì lại gợi nhớ một quả cam đã lột vỏ với những múi cam vàng, xanh. Mỗi một mái vòm đều được trang trí bởi những gờ, mái vòm giả, cửa sổ, các khám. Nhìn chung nhà thờ tạo nên cảm giác ngày lễ và sang trọng. Cho tới cuối thế kỷ 17, khi mà trên lãnh thổ Kremlin vẫn còn chưa xây tháp chuông Ivan Vĩ đại thì nhà thờ Vasily Khổ hạnh là tòa nhà cao nhất Matxcơva. Chiều cao của nhà thờ là 60m. Các bệ thờ bên liên kết với nhau bằng một hệ thống các lối thông.
Mỗi một nhà thờ con trong Nhà thờ Vasily Khổ hạnh đều được ban phước thánh nhân dịp các ngày lễ nhà thờ, khi xảy ra các sự kiện quan trọng của lần chinh phục Kazan. Nhà thờ chính dạng cột với trang trí vòm được đặt tên vinh danh Đức Mẹ Pokrov. Tám nhà thờ khác bao quanh cột chính được mang tên Ngôi thứ ba thần thánh, Chúa Jesus vào Jerusalem, Nhicolai Velikoretsky, các thánh Kiprian và Ustinhia, ba Tộc trưởng Alekxandríky, Grigory Armiansky, Varlaam Khutưnsky và Alekxandr Svirsky.
Nhà thờ Vasily Khổ hạnh bắt đầu có được vẻ ngoài nhiều màu sắc như hiện nay từ nửa sau thế kỷ 18 dưới thời trị vì của nữ hoàng Ekaterina II. Khi đó người ta đã trùng tu lại nhà thờ – tháo gỡ 16 đầu nhỏ xung quanh các tháp, giữ lại cơ sở biểu tượng 8 cạnh, còn tháp chuông dạng vòm thì liên kết với tòa nhà của nhà thờ. Cũng thời kỳ này người ta đã sơn nhà thờ như màu sắc hiện nay và trở thành một điều diệu kỳ thật sự.
>> Xem thêm: http://hoctiengnga.com/v134/bai-3.html
Nhà thờ Vasily Khổ hạnh nổi tiếng với những lối đi ngầm của mình. Năm 1924 D.P.Sukhovov và I.Ya.Stelletsky đã tiến thành đợt khảo sát nhà thờ rất quy mô. Dưới bệ thờ phụ của Ioann Milostivưi họ đã phát hiện một căn phòng bít kín, mà có thể thấy rõ một hố sau trên sàn phòng, hố sâu này về sau bị lấp đầy.
Những cửa sổ của căn phòng tìm được đã bị xây bít lại bằng gạch. “Tầng dưới của nhà thờ thay vì các cửa sổ bình thường là các lỗ châu mai, kể cả từ phía hướng ra sông cũng như phía hướng ra Quảng trường Đỏ. Trong những lối đi ngầm của hầm nhà thờ cũng có các lối đi tới các lỗ châu mai cũng như đối với đại bác trong các tháp của Kitai-gorod và bất kỳ một tu viện nào” – I.Ya. Stelletsky viết. Phát hiện này đã gợi cho Stelletsky ý nghĩ rằng trong thế kỷ XVI phần dưới của nhà thờ Vasily Khổ hạnh được sử dụng trong các trận chiến.
Nhà thờ thứ mười trong cụm Nhà thờ Vasily Khổ hạnh – nhà thờ thánh Vasily được xây dựng thêm vào năm 1588. Kết quả là nhà thờ này trở thành mười đầu và nhận được cái tên thứ hai của mình, tên không chính thức – Nhà thờ Vasily Khổ hạnh.
Theo truyền thuyết thì Vasily Khổ hạnh là jurodivưi (юродивый – ở đây có nghĩa là người có vẻ ngoài như người điên, sống khổ hạnh nhưng lại có khả năng tiên tri), được kính trọng nhất ở nước Nga. Vasily tự mình quyên góp tiền để xây dựng nhà thờ Pokrov tương lai, đem đến Quảng trường Đỏ và ném qua vai phải, và không ai, kể cả kẻ trộm cũng không động đến những đồng tiền này. Trước khí chết, vào tháng 8 năm 1552 Vasily đem số tiền này dâng lên Ivan Lôi Đế, và chẳng bao lâu sau Sa hoàng ra lệnh xây nhà thờ tại nơi đó.
Vasily sinh năm 1469 tại làng Elekhovo, một làng nhỏ ngoại ô Matxcơva. Cha mẹ Vasily là những người nông dân đã đưa con trai học nghề đóng giày. Vasily là một chàng trai chăm chỉ và ngoan đạo, và đã được ban cho khả năng tiên tri. Khả năng này được phát hiện rất tình cờ. Một khách hàng đến gặp ông chủ của Vasily đặt đóng ủng và yêu cầu đóng một đôi ủng có thể đi được vài năm. Nghe thế Vasily mỉm cười. Khi ông chủ hỏi, nụ cười đó có nghĩa gì thì Vasily nói rằng, người đặt đóng đôi ủng đi được vài năm ấy sẽ chết vào hôm sau. Và điều đó đã xảy ra thật.
Đến năm 16 tuổi thì Vasily rời bỏ xưởng và người chủ và bắt đầu chiến công của một jurodivưi – suốt 72 năm lang thang không nhà ở, tự ép mình sông trong cảnh thiếu thốn, bắt mình phải vác trên người những dây xích mà đến nay vẫn còn nằm trên quan tài của ông. Tiểu sử của Vasily Khổ hạnh mô tả những khi ông dùng lời nói và bằng tấm gương bản thân mình dạy nhân dân sống có đạo đức.
Tên tuỏi của Vasily Khổ hạnh gắn liền với nhiều truyền thuyết và những điều kỳ diệu. Ví dụ một lần những kẻ trộm thấy ông mặc một chiếc áo khoác tốt do một nhà quý tộc tặng, chúng bèn định lừa ông để lấy áo. Một trong số bọn chúng giả vờ chết, còn những kẻ khác thì xin Vasily tiền để chôn cất. Vasily lấy áo khoác của mình che cho “người chết”, nhưng khi thấy sự lừa đảo thì ông nói: “Từ giờ trở thi ngươi đã chêt vì sự lừa đảo của mình, vì Chúa đã truyền rằng những kẻ lừa đảo phải bị trừng trị”. Quả nhiên kẻ lừa đảo đã chết thật.
Người ta còn kể lại rằng mùa hè năm 1547 Vasily Khổ hạnh đến tu viện Voznesensky ở Ostrog (ngày nay là Vozdvizhenka) và rơi nước mắt, cầu nguyện rất lâu trước nhà thờ. Và đó là lời báo trước của đám cháy khủng khiếp ở Matxcơva, đám cháy này bắt đầu ngay ngày hôm sau chính từ tu viện Vozdvizhensky. Sa hoàng Ivan Vasilievich rất tôn kính và sợ Vasily Khổ hạnh, “như người nhìn thấu mọi trái tim và suy nghĩ của con người”. Không lâu trước khi chết, khi Vasily lâm bệnh nặng thì đích thân Sa hoàng và hoàng hậu Anastasia đã tới thăm ông. Vasily qua đời ngày 2/8/1552.
Đích thân Sa hoàng cùng các nhà quý tộc đã khiêng quan tài của Vasily, còn tổng giám mục Makari thì đích thân làm lễ chôn cất ông. Thi hài của Vasily Khổ hạnh được chôn ở nghĩa địa của nhà thờ Troitskaya, nơi mà sau này người ta đã xây nhà thờ Pokrovsky.
Từ năm 1588 người ta bắt đầu nói về những điều kỳ diệu diễn ra bên cạnh mộ của Vasily Khổ hạnh; do đó mà giáo trưởng Job đã ra lệnh tưởng nhớ thánh Vasily vào ngày ông qua đời – ngày 2 tháng 8. Sa hoàng Fedor Ioannovich ra lệnh xây một bệ thờ tưởng nhớ Vasily Khổ hạnh trong nhà thờ Pokrovsky, ở chỗ chôn Vasily, và làm một chiếc hòm bạc để đựng di hài của thánh. Từ lâu đời ngày lễ thánh Vasily Khổ hạnh ở Matxcơva được kỷ niệm rất trọng thể – giáo trưởng đích thân làm lễ, còn chính Sa hoàng cũng có mặt khi làm lễ thánh.
Di hài của Vasily Khổ hạnh – chưa phải là kho báu duy nhất của Nhà thờ. Vào thế kỷ XVIII các họa sĩ đã vẽ ba bức tranh thánh mặt tiền độc đáo dành riêng cho nhà thờ, những bức tranh này hiện nay vẫn được nhà thờ lưu giữ: “Điềm báo với các thánh trên đồng”, bản sao của bức tranh này và “Pokrov (Áo choàng) với thánh Vasily và Ioann Khổ hạnh”.
Di hài của Vasily Khổ hạnh
Bức tranh thánh “Điềm báo với các thánh trên đồng” tại phía đông của nhà thờ Ba Ngôi – đó là bức tranh trẻ nhất – nó được vẽ vào những năm đầu thế kỷ XVIII. Theo lời của trưởng nhà thờ V.L.Beliankin, “truyền thuyết dân gian kể rằng bức tranh thánh này được vẽ bằng một nghệ thuật đặc biệt trên vôi thô, và thay vì màu dầu thì dùng màu nước”. Bức tranh thánh này có một tác giả giả định – họa sĩ vẽ tranh thánh Timofei Arkhipov, họa sĩ được chôn năm 1737 ở chân tường nhà thờ Điều kì diệu của Tổng thiên thần Mikhail của cụm nhà thờ của tu viện Chudov ở Matxcơva.
Ngay lập tức bức tranh thánh này được trọng vọng, còn sau đó thì nó còn được cho là có phép lạ. Điều này là nguyên nhân sự xuất hiện bản sao của bức tranh này trên gỗ, bản sao này được làm vào những năm 80 của thế kỷ XVIII. Hai bức tranh thánh này khác nhau ở thành phần các vị thánh trên đồng. Bức tranh thánh làm người ta phải kinh ngạc vì kích thước của nó 2,84 х 2,84 m. Bức tranh thánh thứ ba “Pokrov với thánh Vasily và Ioann Khổ hạnh” cũng có kích thước lớn như vậy (2,6 х 3,8 m) và ở bức tường phía nam của tháp chuông Nhà thờ Pokrov.
>> Link tham khảo: http://hoctiengnga.com/v147/bai-2.html
Sự xuất hiện của những bức tranh thánh Đức Mẹ “Điềm báo” và “Pokrov” trên các bức tường của Nhà thờ là hoàn toàn tự nhiên. Các chủ đề về Áo choàng và điềm báo của Đức Mẹ mang cùng một biểu tượng – sự ủng hộ của Đức Mẹ trước mặt kẻ thù, cũng như xác nhận sự che chở của Đức Mẹ đối với nhân dân đạo Chính thống.
Tổng cộng trong Nhà thờ Vasily Khổ hạnh có 9 nơi lưu giữ tranh thánh, trong đó có gần 400 tranh thánh thế kỷ 16-19. Đó là những bức tranh thánh đẹp nhất của trường phái vẽ tranh thánh Novgorod và Matxcơva. Các bức tường của nhà thờ được trang trí bằng những bức tranh sơn dầu và bích họa thế kỷ 16-19. Ngoài tranh thánh ra trong nhà thờ còn có các bức tranh chân dung và phong cảnh thế kỷ 19, và các đồ dùng nhà thờ thế kỷ 16-19. Trong số các hiện vật đặc biệt đáng giá có một chiếc cốc thế kỷ 17 đã từng là đồ dùng của Sa hoàng Alekxei Mikhailovich.
Nhà thờ có vẻ đẹp kỳ lạ này đã vài lần bị người ta tìm cách phá bỏ, di dời, nhưng lần nào cũng thế, nhà thờ vẫn tiếp tục tọa lạc ở vị trí của mình. Năm 1812, khi rời khỏi thủ đô nước Nga đã bị tàn phá, Napoleon hạ lệnh gây nổ nhà thờ Vasily Khổ hạnh cùng với điện Kremlin. Tuy nhiên trong lúc vội vã những người lính Pháp đã không kịp đào đủ số đường hào, và Kremlin chỉ bị phá hủy ở 5 chỗ. Còn nhà thờ Pokrovsky thì vẫn nguyên vẹn, vì mưa làm tắt những ngòi nổ đã được đốt.
Sau Cách mạng, nhà thờ Pokrovsky lại một lần nữa may mắn được cứu thoát. Trưởng tu viện cuối cùng của nhà thờ, Ioan Vostorgov bị xử bắn vào năm 1919, còn vào năm 1929 thì nhà thờ bị đóng cửa, chuông bị đem đi nấu kim loại. vào những năm 1930, Lazar Kaganovich, người đã kịp đóng góp tích cực trong việc phá nhà thờ Jesus – Chúa Cứu thế, nhà thờ Kazan của Kremlin và các nhà thờ khác ở Matxcơva, đã đề nghị phá hủy cả nhà thờ Pokrovsky để có thêm chỗ cho các cuộc diễu binh và biểu tình tuần hành.
Dân gian truyền rằng Kaganovich đã chuẩn bị ma-két Quảng trường Đỏ với nhà thờ Pokrovsky có thể tháo gỡ và đem đến cho Stalin. Trong khi chứng minh rằng nhà thờ làm cản trở xe cộ và các cuộc biểu tình tuần hành, Kaganovich bất ngờ nhổ nhà thờ khỏi Quảng trường. Dường như là Stalin kinh ngạc đã thốt lên câu nói lịch sử: “Lazar, để lại chỗ cũ!”
Nhà phục chế nổi tiếng P.D.Baranovsky đã gửi điện đến Stalin với lời kêu gọi cứu lấy nhà thờ. Có những tin đồn về việc dường như Baranovsky, khi được mời đến Kremlin về việc này, đã quỳ gối trước Bộ Chính trị, khẩn cầu đừng phá nhà thờ, và điều đó đã có tác dụng. Mặc dù sau đó Baranovsky đã nhận một án tù không ít.
Nhà thờ vẫn đứng đó và là một biểu tượng thật sự của Matxcơva và nước Nga. “Đài kỷ niệm được cả thế giới biết đến này, – nhà sử học I.E.Zabelin nói, – với sự độc đáo của mình đã chiếm một vị trí đặc biệt trong lịch sử kiến trúc nói chung, và cùng lúc lại như là một đường nét tiêu biểu của chính Matxcơva, nét đặc biệt của sự sáng tạo và nét riêng biệt đặc trưng, những gì mà Matxcơva, như một thành phố Nga lâu đời khác biệt với các thành phố Tây Âu. Về một khía cạnh nào đấy, đó cũng là một kỳ công Matxcơva, nếu như không hơn, và lại còn là kỳ công dân gian, như tháp chuông Ivan Vĩ đại, như Chuông Vua, như Đại bác Vua. Những khách du lịch phương tây và các nhà nghiên cứu lịch sử kiến trúc, vốn rất nhạy cảm với sự sáng tạo và riêng biệt, đã từ lâu đánh giá cao đài kỷ niệm tuyệt vời này của nghệ thuật Nga”.
TIN LIÊN QUAN
Thủ đô Moskva của Nga là một trong những thành phố lớn đẹp nhất thế giới với lịch sử và truyền thống nhiều thế kỷ của...
Một trong những nơi đẹp nhất nước Nga – một góc thảo nguyên Rostov đã được quyết định đặc biệt của UNESCO biến thành...
TIN NỔI BẬT
Hoặc gọi ngay cho chúng tôi:
1900 7060
Chính sách bảo mật thông tin | Hình thức thanh toán
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0310635296 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cấp.
Giấy Phép hoạt động trung tâm ngoại ngữ số 3068/QĐ-GDĐT-TC do Sở Giáo Dục và Đào Tạo TPHCM cấp.
Lịch khai giảng
TÌM KIẾM LỊCH KHAI GIẢNG