Nữ hoàng Ekaterina Đệ nhị: Điều không ghi trên bia mộ

Mục lục bài viết

    Trong số những vị vua của đế chế Nga, chỉ có Pie Đệ nhất và Ekaterina Đệ nhị được tôn làm Đại Đế. Hai vị Đại Đế này không chỉ có ảnh hưởng sâu sắc đối với lịch sử nước Nga, mà còn có ảnh hưởng to lớn đối với thế giới.

     

    Pie Đệ nhất (1672-1725) là người tiến hành cuộc cải cách vĩ đại, nâng cao uy tín của đế chế Nga trên trường quốc tế, có công đầu xây dựng thành phố Peterbourg (1703), đưa thành phố này trở thành “thành phố Venice phương Bắc”.

    Ông được tôn vinh là “Đại đế Ross toàn nước Nga”, là “Cha của Tổ quốc”. Còn Nữ hoàng Ekaterina Đệ nhị (1729-1796) có công mở rộng bờ cõi, đưa đế chế Nga trở thành một cường quốc, được người đời sau suy tôn là “Nữ hoàng khai sáng”, là một trong mười người đàn bà “làm chấn động thế giới”.

    Một nhà sử học Ba Lan cho rằng, muốn hiểu rõ tổ chức chính trị và xã hội của nước Nga, trước tiên phải nghiên cứu Ekaterina, vì hơn phân nửa nước Nga hiện đại là di sản của vị vua này... Con cháu bà sau này khi trị vì đất nước luôn trung thành với chính sách đối nội và đối ngoại của bà...

    Để trở thành Nữ hoàng, Ekaterina đã làm một việc hy hữu trong lịch sử: giết chồng, cướp ngôi.

    Lý do nào khiến một quận chúa Đức trẻ tuổi, khi trở thành Hoàng hậu nước Nga rắp tâm chuẩn bị một cuộc chính biến, cướp ngôi của chồng, trở thành Nữ hoàng của một đất nước rộng lớn, giữ ngai vàng trong 34 năm?

    Trước hết là do giấc mộng quyền lực của một phụ nữ nhiều tham vọng, kế đến là để trả mối hận tình do người chồng gây ra!

    Ekaterina Đệ nhị tên thật là Sofie Fiedrich, một Quận chúa người Đức, được Nữ hoàng Elizabeth Yerisavat (là con gái của Pie Đại đế) chọn làm vị hôn thê cho cháu mình là Hoàng đế Pie III và đổi tên thành Ekaterina Alekseevna.

    Vì không có con nối dõi, Nữ hoàng Elizabeth Yerisavat đã chỉ định Carr Peter – một người cháu gọi bà bằng dì làm người kế thừa hoàng vị. Bước chân đi làm dâu xứ người, từ khi 15 tuổi, Ekaterina thề rằng, nếu gặp được người chồng yêu thương, sẽ nguyện làm người vợ hiền suốt đời!

    Vì thế, Ekaterina chịu khó học tiếng Nga, tìm hiểu phong tục tập quán, lịch sử, địa lý Nga, tin theo chính giáo Nga. Nhưng trong cuộc sống vợ chồng, Ekaterina thật sự không có hạnh phúc.

    Pie vốn là người luôn bài xích nước Nga, thi hành chính sách thân Đức, lại không mấy thông minh, ăn chơi đàng điếm, ngang nhiên đi lại với những người đàn bà khác, thường xuyên mạt sát, sỉ nhục nàng trước đám đông...

    Suốt trong 18 năm làm Hoàng hậu, Ekaterina cắn răng nhẫn nhục, mưu nghiệp lớn. Người đàn bà nhan sắc và nhiều tham vọng luôn nung nấu giấc mộng “trở thành Nữ hoàng nước Nga”.

    Thêm vào đó, cuộc hôn nhân với vị vua trẻ lại không mấy hạnh phúc càng khiến Ekaterina rắp tâm xây dựng vây cánh, âm mưu làm một cuộc chính biến chiếm đoạt ngai vàng của chồng.

    Vốn là một người đàn bà thông minh, đầy nghị lực và quyết đoán, Ekaterina đã tìm mọi cách thu phục sự ủng hộ của giới quý tộc và sĩ quan cận vệ trong triều đình.

    Ngày 28/6/1762, sau 18 năm dày công chuẩn bị, lợi dụng lúc Hoàng đế Pie III đang rong chơi cùng người tình Vorontsov, Ekaterina dựa vào những người tâm phúc trong triều đình gây chính biến, tuyên bố là Nữ hoàng và ra lệnh tống giam Hoàng đế Pie III.

    Pie khóc lóc cầu xin người vợ của mình chia đôi chính quyền để cùng chấp chính. Song Ekaterina dứt khoát từ chối, buộc ông phải thoái vị. Sau khi nhận chiếu thư thoái vị của Pie III, Nữ hoàng Ekaterina ra lệnh tống giam ông cùng người tình vào ngục.

    Vị Hoàng đế thất sủng cùng người tình van xin: “Tôi đã tuyên bố thoái vị, xét đến tình cảm vợ chồng 18 năm chung sống, xin nghĩ tình cũ mà cho tôi và Vorontsov động khỉ và cây vĩ cầm nhỏ”...

    Nữ hoàng Ekaterina chẳng những không chấp nhận lời van xin đó mà còn ra lệnh tác đôi tình nhân này mỗi người một ngục. Sau đó khoảng hơn một tuần, trong một trận đánh nhau vì say rượu, Pie III bị giết chết.

    Sách “Bách khoa toàn thư Liên Xô” chép rằng, người tổ chức trận đánh nhau này chính là người được phái đến “bảo vệ” Pie, là em trai một người tình của Nữ hoàng Ekaterina.

    Nữ hoàng Ekaterina Đệ nhị  là hiện thân của Đế chế Nga quân chủ độc tài. Trong 34 năm trị vì đất nước, bà cầm quân đánh giặc 32 lần, xây dựng quân đội, bao gồm bộ binh, kỵ binh, hải quân hùng mạnh. Ekaterina từng nói: “Nếu tôi có thể sống được 200 tuổi, tôi sẽ lấy toàn bộ châu Âu”.

    Tham vọng của bà là xây dựng một nước Nga có 6 đô thành: Peterbourg, Moscow, Berlin, Vienna, Constantinople, Astrakhano. Trên thực tế, dưới thời Nữ hoàng cai trị, diện tích nước Nga được mở rộng thêm 63 vạn km2, tương đương diện tích của nước Anh.

    Bà đã từng hãnh diện nói rằng: “Trong thời gian 19 năm, tôi đã xây dựng 29 tỉnh mới, 144 thành phố; ký kết với nước ngoài 30 điều ước và hiệp định có lợi cho nước Nga; giành được 78 thắng lợi chiến dịch đối ngoại”…--PageBreak--

    Từ thời cổ đại, các bậc đế vương thường sử dụng một phần ngân khố quốc gia để xây dựng lăng tẩm cho mình - ngôi nhà thứ hai của cuộc đời. Một số người còn tự tay tạc bia mộ cho mình để lưu danh hậu thế.

    Trước khi chết, Nữ hoàng Ekaterina Đệ nhị cũng đã tự tay viết lời rồi cho thợ tạc trên bia mộ của mình một đoạn khá dài, ghi nhớ công lao, đạo đức của mình với đất nước: “ở đây, Ekaterina yên giấc ngàn thu. Bà sinh ngày 21/ 4/1729 ở Schtin.

    Kết hôn cùng Pie III, năm 1744 bà đã đến nước Nga. Năm 15 tuổi bà đã lập ba quyết tâm lớn: phải quan tâm chồng thật nhiều, làm vui lòng nữ hoàng Yerisavat và khiến nhân dân cả nước đồng lòng.

    Để đạt mục đích này, bà không bỏ qua cơ hội nào, thận trọng từng hành động, việc làm. Bà đọc nhiều sách, để giết chết thời gian u uất, cô độc, hiu quạnh, buồn chán trong 18 năm.

    Khi lên địa vị Hoàng đế, bà hết lòng vì quốc gia mưu cầu phúc lợi; vì nhân dân mưu cầu hạnh phúc, giàu có và tự do. Bà khoan hồng độ lượng, đối đãi với mọi người tử tế, không quá đáng với ai, tính cách vui vẻ, tôn sùng tự do, bản tính lương thiện.

    Bà rất tuyệt, tha thiết hăng say với công việc, lịch thiệp trong giao tế, yêu thích nghệ thuật”... Những dòng trên bia mộ khá dài, nhưng chuyện chồng con tịnh không được bà nhắc đến!

    Vì thế, cho đến nay, người đời vẫn còn rất tò mò về cuộc sống riêng tư của người đàn bà nắm trong tay rất nhiều quyền lực, bất hạnh trong hôn nhân, lại góa chồng ở tuổi 33 tràn trề nhựa sống.

    Có rất nhiều giai thoại về Nữ hoàng, trong đó có câu chuyện kể rằng, đến năm 67 tuổi, tức là năm cuối cùng của cuộc đời, bà vẫn có người tình mà không hề e ngại sự dèm pha của thiên hạ.

    Hồi trẻ, Nữ Hoàng Ekaterina từng ước ao, nếu gặp được người chồng yêu thương thật sự, sẽ làm một người vợ hiền suốt đời. Tiếc thay, ngay từ những năm đầu của cuộc hôn nhân, Nữ hoàng đã không thỏa nguyện.

    Với bà, 18 năm chung sống với chồng là 18 năm “sống trong u uất, cô độc, hiu quạnh, buồn chán”.  Đây là một trong những lý do khiến Nữ hoàng tìm đến những người đàn ông khác. Vì thế, dẫu đã kết hôn nhiều năm, Ekateina Alekseevna vẫn là “phu nhân đồng trinh”.

    Mãi 10 năm sau ngày cưới, Ekateina mới sinh một người con gái. Không ít người cho rằng, cha của đứa trẻ là Baniatovvsiz - một tình nhân của Ekateina. Có người lại nói rằng, ngay cả Ekaterina cũng không biết chính xác cha của đứa trẻ!

    Nhưng dẫu sao, Nữ hoàng Elizabeth Yerisavat cũng thưởng cho Ekateina 10 vạn rúp. ít người biết được rằng, Ekateina đã dùng món tiền này mua chuộc tay chân và chuẩn bị cuộc thoán ngôi. Sử sách còn chép, xung quanh Ekaterina có tới 300 người hầu đẹp trai, 21 người tình...

    Và tình cảm sâu nặng nhất Ekaterina dành cho anh em nhà Fedorovich Orlov Saltykove, Chernyshev, Baniatovsiz, Potemkin... Họ vừa là tình nhân, vừa là những trợ thủ đắc lực cho người đàn bà đẹp, nhiều tham vọng leo lên đỉnh cao quyền lực.

    Baniatovsiz người Ba Lan, đẹp trai, nhanh nhẹn, là tùy viên của Đại sứ quán Anh. Trong khi Hoàng đế Pie cặp kè với Vorontsov, Ekaterina và Baniatovsiz đã yêu nhau say đắm.

    Baniatovsiz không chỉ là người tình, mà còn là chỗ dựa vững chắc để Ekaterina thực hiện những toan tính chính trị. Sau bốn năm quen biết Baniatovsiz, Ekaterina  trở thành Nữ hoàng.

    Theo những câu chuyện giai thoại lưu truyền trong dân gian, người con trai thứ hai của Ekaterina chính là kết quả của mối tình vụng trộm với Baniatovsiz. Khi biết Ekaterina mang thai, Hoàng đế Pie chua chát thốt lên: “Chỉ có trời mới biết đây có phải là con tôi hay không”...

    Khi Quốc vương Ba Lan qua đời,  Ekaterina đòi đưa Baniatovsiz lên làm Quốc vương. Đòi hỏi của Nữ hoàng bị từ chối, bà liền phái 15.000 binh sĩ bao vây Ba Lan. Nhờ vậy Baniatovsiz đã được chọn làm Quốc vương Ba Lan. Từ đó, Baniatovsiz vừa là người tình, vừa đóng vai trò bảo vệ lợi ích của đế chế Nga.  

    Một giai thoại khác: Gregory Aleksandrovich Potemkin là một tướng lĩnh nổi tiếng đẹp trai, tài trí, có quan hệ với Ekaterina từ khi còn trẻ. Giống như những tình nhân khác, Potemkin cũng là công cụ chính trị cho Ekaterina leo lên địa vị thống trị.

    Khi Ekaterina trở thành Nữ hoàng, Potemkin trở thành người cầm quân tài giỏi, giúp Nữ hoàng thực hiện tham vọng bành trướng mở rộng lãnh thổ. Ông được Nữ hoàng giao cho làm tổng đốc một vùng đất rộng lớn, kiêm nhiệm công tác ngoại giao của quốc gia trong một thời gian dài và phong cho hiệu Công tước Tafreidsz.

    Mối tình của họ rất bền chặt. Khi Potemkin kết hôn, Nữ hoàng tặng cho 10 triệu rúp và còn xây dựng cho ông cung Tafreidsz ở Peterboug để ông sống lúc tuổi già. Ngày 17 tháng 11 năm 1796 , Nữ hoàng Ekaterina II đột ngột qua đời, hưởng thọ 67 tuổi.

     

    http://vnca.cand.com.vn/

    TIN LIÊN QUAN

    Những bí mật của Moskva: nơi đâu có những cây sồi “cổ xưa” nhất, và “mosk” có nghĩa là gì
    28 THÁNG 06 Những bí mật của Moskva: nơi đâu có những cây sồi “cổ xưa” nhất, và “mosk” có nghĩa là gì

    Thủ đô Moskva của Nga là một trong những thành phố lớn đẹp nhất thế giới với lịch sử và truyền thống nhiều thế kỷ của...

    Nhà thờ Vasily Khổ hạnh – bức tranh mã hóa của một nhà thờ hồi giáo đã chết
    28 THÁNG 06 Nhà thờ Vasily Khổ hạnh – bức tranh mã hóa của một nhà thờ hồi giáo đã chết

    Truyền thuyết xa xưa của Matxcơva kể lại rằng, tại nhà thờ quân đội ở gần Kazan, trong buổi tế lễ, khi mà người trợ...

    Để lại số điện thoại
    để được Phuong Nam Education liên hệ tư vấn

    Hoặc gọi ngay cho chúng tôi:
    1900 7060

    Gọi ngay

    ĐĂNG KÝ TƯ VẤN KHÓA HỌC

    Zalo chat