Được tôn vinh là “Mặt trời của thi ca Nga”, là biểu tượng của dòng văn học lãng mạn Nga thế kỷ XIX, tên tuổi của Đại thi hào Alekxandr Xergeyevich Pushkin (1799 – 1837) vẫn còn sáng chói đến ngày nay. Tên tuổi của ông gắn với nhiều kiệt tác thơ được cả nhân loại biết đến Chuyện ông lão đánh cá và con cá vàng (1833), Căn nhà nhỏ ở Kolomna (1830), Chuyện nhà gấu (1830)... bên cạnh đó là các tác phẩm văn xuôi xuất chúng như Tập truyện ngắn Tập truyện của ông Ivan Petrovich Belkin quá cố (1831), truyện ngắn Con đầm Pích (1834), tiểu thuyếtNgười con gái viên đại úy (1836)...
Cha của Pushkin, ông Pushkin Sergei Levova, là hậu duệ của dòng dõi gia đình Boyar cũ - tước hiệu cao cấp nhất trong tầng lớp quý tộc của Nga và Romania thời xưa. Ông vốn là một chủ đất giàu có, sở hữu nhiều đất đai và nô lệ. Tuy nhiên, ông Sergei Levova lại luôn cảm thấy xấu hổ vì điều này. Dường như người cha của Pushkin không phù hợp với công việc của một người quản lý. Ông rất ít quan tâm đến những khái niệm như gia đình, thu nhập và giá cả nông sản. Cả cuộc đời của Sergei Levova sống trong cảnh thảnh thơi, nhàn nhã và vô lo với tài hoạt ngôn trên các diễn đàn đông người, ưa tìm hiểu ngôn ngữ Pháp và Nga, quan tâm tới văn học và có một thư viện gồm những cuốn sách tiếng Pháp giá trị. Với con cái, ông Sergei Levova cũng rất ít thể hiện sự quan tâm đặc biệt nhưng cơ bản là một người cha tốt.
Thời thơ ấu của đại thi hào Pushkin
“Mặt trời của thi ca Nga”
Vợ ông Sergei Levova, đồng thời là mẹ Pushkin, bà Nadezhda Osipovna, thuộc dòng dõi của Abram Petrovich Gannibal, một người nô lệ da đen, nhờ thông minh xuất chúng và có những đóng góp lớn về quân sự, hàng hải cho nước Nga đã được Pyotr Đại đế nhận làm con nuôi. Vì thế, Pushkin có vài đặc điểm giống đằng ngoại như tóc rất xoăn, làn da ngăm đen và đôi môi dày.
Trái với bản tính vô lo của chồng, bà Sergei Levova là một phụ nữ xinh đẹp nhưng chuyên quyền, độc đoán. Ba người con, con gái lớn Olga, rồi đến Pushkin và cuối cùng là em út Leo thì chỉ có Leo là được nuông chiều hơn cả. Chị em Pushkin thường bị mẹ dạy bằng roi vọt và bà mẹ đặc biệt lạnh lùng với cậu con trai thứ. Có thời điểm quá tức giận, thậm chí bà còn không nói chuyện với Pushkin tới hàng tuần, thậm chí cả tháng.
Trong thời gian cai sữa cho Pushkin, bà mẹ đã bỏ mặc cậu bé đói khát mút tay và không âu yếm cậu bé như những bà mẹ khác. Vì thuở nhỏ Pushkin rất mập mạp, vụng về, bà mẹ đã bắt cậu phải vận động, chạy nhảy, chơi đùa với bạn bè cùng trang lứa. Trái lại, bà ngoại của cậu, bà Maria Alexeevna Gannibal lại là một phụ nữ rất hiền từ. Thời thơ ấu, trong những tháng hè, Pushkin thường được về chơi với bà ngoại tại ngôi làng nhỏ Zakharov, gần thành phố Zvenigorod, ngoại ô Moskva. Đó có lẽ là những ngày tháng đẹp nhất trong quãng đời thơ ấu của đại thi hào, từng được ông hoài niệm trong các tác phẩm thơ đầu tay như Thầy tu (1813, Bova (1814), Lời nhắn cho Yudin(1815), Giấc mơ (1816).
Ở tuổi lên 7, từ một cậu nhóc mũm mĩm, lười vận động, Pushkin như lột xác, trở nên hiếu động và nói rất nhiều. Những đặc điểm thừa hưởng từ người mẹ có xuất xứ từ châu Phi lộ rõ, nhất là ở đôi mắt linh hoạt và tính cách táo bạo, dí dỏm, vóc dáng đậm đà và mái tóc xoăn. Có một câu chuyện nhỏ kể lại rằng, năm 10 tuổi, khi gặp nhà thơ Iv. Dmitriev, đồng thời là một vị tướng đã về hưu, bị chơi xỏ khi ông này gọi Pushkin là Arabchik (Cậu bé Ả-rập), cậu bé đã nhanh trí đáp lại bằng cách chơi chữ: “Nhưng không là Riabchik (Riabchik có nghĩa là rỗ hoa) khiến mọi người đều ngạc nhiên vì quả thực ông Iv. Dmitriev bị rỗ hoa.
Vốn khá giả, cha mẹ Pushkin đã mời những người dạy kèm tại nhà cho các con. Pushkin cùng với người chị và em út đã được dạy nhiều tiếng Pháp thay vì tiếng Nga để phù hợp với văn hóa sử dụng tiếng Pháp trong các gia đình quý tộc Nga thời bấy giờ. Vì thế cậu bé nói tiếng Pháp còn giỏi hơn tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, Pushkin lại không mấy ưa các phép tính số học. Cậu đã không ít lần rơi nước mắt ngắn dài vì phải đánh vật với các con số.
Niềm đam mê với các cuốn sách tiếng Pháp góp phần hình thành nên phong cách văn chương tuyệt vời, kế thừa những tinh hoa văn học Pháp của Pushkin
8 tuổi, Pushkin bắt đầu viết các bài thơ tiếng Pháp và thể hiện sự ngưỡng mộ với nhà hài kịch vĩ đại nhất thế kỷ XVII, Molière, tác giả của những kiệt tác Le Misanthrope (Anh chàng ghét đời), L'École des femmes Tartuffe ou l'Imposteur (Thằng Táctuýp), L'Avare ou l'École du mensonge (Lão hà tiện) và Le Bourgeois gentilhomme(Trưởng giả học làm sang).
9 tuổi, Pushkin đã thể hiện niềm đam mê với các cuốn sách. Cậu bé thường lẻn lên thư viện của cha, nơi có rất nhiều tác phẩm của các tác giả Pháp thế kỷ 17, 18 và ngồi lì ở đó, dán mắt vào các con chữ tới hàng giờ. Những cuốn sách cung cấp cho Pushkin một vốn hiểu biết văn học Pháp rất phong phú, góp phần hình thành nên phong cách văn chương tuyệt vời, kế thừa những tinh hoa văn học Pháp của ông sau này.
Cám ơn bạn đã đọc!